Đằng sau thành công của người đàn ông, luôn có bóng dáng của người phụ nữ

Đằng sau thành công của người đàn ông, luôn có bóng dáng của người phụ nữ

"Đằng sau thành công của người đàn ông, luôn có bóng dáng của người phụ nữ". Để những người lính yên tâm công tác, phục vụ đất nước đạt kết quả cao thì công lớn ấy từ hậu phương nói chung, từ những người vợ lính nói riêng.
Thời chiến, chúng ta đều thấu hiểu lòng quả cảm, tính kiên nhẫn, sự âm thầm chịu đựng vất vả, hy sinh và mất mát to lớn của những người phụ nữ có chồng là bộ đội (vợ lính).
Ngày nay, khi đất nước không còn chiến tranh, điều kiện kinh tế, xã hội phát triển hơn, nhưng phần lớn những người vợ lính vẫn là trụ cột của gia đình. Họ đã và đang phát huy rất tích cực những phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ “ba đảm đang”, thực sự là hậu phương lớn, chỗ dựa tinh thần vững chắc của mỗi người lính trong thời bình.



Có chồng như vẫn… “còn son” Đó là một điều không thể phủ nhận mà chỉ những người trong cuộc, những người quan tâm đến cuộc sống, nhiệm vụ của người chiến sĩ và gia đình của họ mới có thể hiểu một cách sâu sắc và đầy đủ điều đó.
Phải nói rằng đây là thiệt thòi rất lớn đối với những phụ nữ dám yêu, dám lấy bộ đội làm chồng.
Quả thật, chỉ có niềm tin, sự thông cảm, tình yêu mãnh liệt của những người phụ nữ đối với những người lính mới có thể duy trì, nuôi dưỡng, bảo vệ hạnh phúc của mình.


Trường hợp của cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Trường Mầm non Liên Hà, Hà Nội là một ví dụ. Chồng của Thanh là Thượng úy Phạm Hồng Thái đóng quân ở Nha Trang. Tình yêu của anh chị dành cho nhau chỉ qua những cánh thư, những cuộc điện thoại. Chị Thanh kể:
-“Chúng mình quen nhau qua sự giới thiệu của bạn bè và cũng mới chỉ gặp nhau duy nhất một lần. Năm 2001, anh được về phép, đó cũng là thời gian chúng mình tổ chức lễ cưới. Vừa kịp quen hơi nhau thì anh ấy đã trở lại đơn vị công tác. Những ngày tháng sau đó nhiều lúc tôi tưởng như mình không thể vượt qua nổi sự cô đơn, trống vắng. Từ lúc cưới đến khi con của chúng tôi được 3 tháng anh ấy mới có dịp về thăm. Tuy thế, tôi vẫn còn may mắn, bởi được mẹ chồng thường xuyên động viên, giúp đỡ nên cũng đỡ vất vả."


Cùng hoàn cảnh với chị Thanh, chị Phạm Thị Thúy ở phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) có chồng là sĩ quan hải quân đóng quân ở Cam Ranh- Khánh Hòa. Mặc dù cưới nhau tính đến nay cũng được 8 năm, nhưng thời gian anh được sum họp cùng gia đình cũng chỉ hơn 6 tháng. 
Chị Thúy tâm sự: “Thường thì một năm anh ấy về thăm mẹ con tôi một lần, còn Tết thì chủ yếu chúc nhau qua điện thoại. Duy nhất một cái Tết anh ấy được về là năm chúng tôi mới cưới nhau…”.
Ngước nhìn tấm ảnh cưới, chị cười rồi nói với tôi: “Lấy chồng bộ độ nói chung là phải dũng cảm, phải chấp nhận khó khăn, vất vả, nhưng bù lại tôi luôn nhận được ở anh tình yêu thương, lòng thủy chung mà không phải cô gái nào cũng có được từ người chồng. Chị Thúy khẳng định:
- “Nếu được lựa chọn lại tôi vẫn lấy bộ đội làm chồng”.


Thông thường người đàn ông là trụ cột của gia đình, nhưng đối với phần lớn những người vợ lính thì các chị chính là trụ cột. Do chồng công tác xa, các chị phải thay các anh đảm đương tất cả mọi việc trong gia đình.
Chị Thanh chia sẻ:
-“Làm nhà là việc quan trọng của một đời người. Nhưng làm như thế nào, chi phí bao nhiêu đều do mình quyết định hết. Gần 6 tháng làm nhà, một thân một mình tự mua vật liệu, thuê thợ, giám sát… cho đến khi vào nhà mới thì… chồng mới về. Nhiều lúc chúng tôi phải tự động viên mình rằng: Đó là cái oai của vợ bộ đội mà không phải ai cũng có được”.
Nói là vậy, nhưng thực ra các chị cũng không muốn được “cái quyền” ấy, nhưng chồng đều công tác xa, những công việc ấy nếu các chị không gánh vác, thì ai có thể làm thay. Không chỉ vậy, các chị còn thay các anh vừa làm cha, vừa làm mẹ trong việc nuôi dạy, chăm sóc con cái.


Chị Thúy lo lắng:
- “Trong điều kiện xã hội hiện nay, không ít gia đình có cả bố và mẹ thường ngày ở bên mà con cái vẫn hư hỏng. Vì thế, tôi lo lắm. Thật lòng tôi chỉ biết cố gắng hết sức mình để nuôi dạy các con cho anh ấy yên tâm công tác".
Tôi thật sự khâm phục các chị - những người vợ lính cả trong thời chiến lẫn thời bình. Mặc dù, biết lấy chồng bộ đội là vất vả, là sự chịu đựng những khó khăn, nhưng các chị luôn tự hào về các anh. Sự nỗ lực, cố gắng, sự hy sinh quyền lợi, hạnh phúc của riêng mình đã giúp các anh có được những điểm tựa vững chắc để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.

Comments

Popular posts from this blog

Vì sao Việt Nam bỏ phiếu trắng